top of page

Lãnh đạo giỏi là lãnh đạo biết lắng nghe sâu

Lắng nghe là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà mỗi nhà lãnh đạo cần phải thành thạo. Nó là cơ sở để hình thành nhiều kỹ năng khác và cũng là lợi thế tạo nên điểm khác biệt cho một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo không nhận thức được điều này và chưa học cách lắng nghe hiệu quả. Trong bài viết này, Minh Hồng sẽ chia sẻ cho bạn về các khía cạnh:

  • Lý do các nhà lãnh đạo cần nâng cao kỹ năng lắng nghe

  • Dấu hiệu cho thấy bạn là người biết lắng nghe sâu hay không

  • Tips để các nhà lãnh đạo lắng nghe hiệu quả hơn


Lãnh đạo giỏi là lãnh đạo biết lắng nghe sâu

Tại sao các nhà lãnh đạo cần nâng cao kỹ năng lắng nghe sâu?


Trước hết chúng mình sẽ cùng thảo luận một chút về khái niệm Lắng nghe. Với Minh Hồng, lắng nghe không đơn giản chỉ là dùng đôi tai để lắng nghe mà cần một kỹ năng khác để thực sự lắng nghe. Lắng nghe không chỉ là nghe một âm thanh mà còn hiểu ý nghĩa của nó. Nói cách khác, nghe là một giác quan, trong khi lắng nghe là một kỹ năng. Lắng nghe ảnh hưởng đến não bộ khác với hành động nghe vì nó tác động đến các phần riêng biệt của tâm trí và đòi hỏi sự chú ý hoàn toàn của một người.


Lắng nghe sâu - thiền sư Thích Nhất Hạnh

"Bằng cách lắng nghe với sự bình tĩnh và thấu hiểu, chúng ta có thể xoa dịu nỗi đau của người khác." - Thích Nhất Hạnh.


Với các nhà lãnh đạo, sở hữu kỹ năng lắng nghe tốt là một trong những công cụ đắc lực. Nhân viên muốn được lắng nghe và họ muốn nhận được sự tôn trọng. Cách bạn lắng nghe sẽ thể hiện sự tôn trọng đó và xây dựng lòng tin ở họ, nhờ vậy các thành viên trong nhóm có động lực và tăng tính cam kết hơn. Bên cạnh đó, lắng nghe là cách tốt nhất giúp bạn nhận biết về nhu cầu của đối tác, khách hàng để tạo ra một chiến lược thành công.


Xây dựng kỹ năng lắng nghe tốt giúp các nhà lãnh đạo:

  • Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ: Cho dù bạn chủ yếu làm việc với nhân viên hay đối tác, khách hàng, lắng nghe tốt sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ gắn kết và bền vững hơn với người khác.

  • Trở thành một nhà lãnh đạo linh hoạt: Bằng cách lắng nghe người khác, bạn sẽ nhận biết được đâu là phong cách lãnh đạo mà bạn cần áp dụng để có thể thúc đẩy hoặc truyền cảm hứng cho mọi người.

  • Khiến khách hàng hài lòng hơn: Bạn đã từng trải qua cảm giác feedback không hài lòng về sản phẩm, dịch vụ của một công ty nhưng không được bộ phận chăm sóc lắng nghe và phản hồi? Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị mất điểm trong mắt khách hàng. Trong trường hợp này, nếu chúng ta biết lắng nghe và sử dụng kỹ năng đó để thấu hiểu vấn đề của khách hàng thì chúng ta sẽ giải quyết mong muốn ấy tốt hơn. Điều này dẫn đến cải thiện sự hài lòng của khách hàng.

  • Tạo ra văn hóa lắng nghe tốt trong môi trường làm việc: Cấp dưới của bạn sẽ được truyền cảm hứng từ bạn để giao tiếp với nhau. Từ đó tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở hơn và hạn chế các xung đột không đáng có.

  • Đưa ra sự lựa chọn tốt hơn: Việc lắng nghe tốt sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm và vấn đề tiềm ẩn vì bạn đã thật sự tập trung lắng nghe cấp trên truyền đạt thông tin cho mình. Nhờ đó mà bạn sẽ đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

  • Trở thành một người sếp thấu hiểu: Đồng cảm và lắng nghe là hai khái niệm thường đi đôi với nhau. Trở thành một người biết lắng nghe có nghĩa là bạn thật sự muốn thấu hiểu người nói. Bạn sẽ đặt mình vào vị trí của cấp dưới trước khi bạn phản ứng với những điều dự định nói ra. Điều này mang đến một cuộc giao tiếp hiệu quả và tạo được sự đồng cảm với đội nhóm.


Cách nhận biết bạn là một người lãnh đạo có kỹ năng lắng nghe tốt hay không


Dấu hiệu nhận biết bạn là người lãnh đạo biết lắng nghe hay không


5 tips giúp các nhà lãnh đạo lắng nghe hiệu quả hơn


Vậy làm thế nào để các nhà lãnh đạo lắng nghe hiệu quả hơn? 5 tips dưới đây sẽ giúp bạn.


1, Trở thành một người sếp biết quan tâm


Đây là bước đầu tiên để giúp bạn lắng nghe hiệu quả hơn. Là một nhà lãnh đạo, bạn không chỉ làm việc một mình mà bạn còn cần phải kết nối với những người xung quanh, đặc biệt là cấp dưới. Một khi bạn cho mọi người thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến họ và những gì họ nói, họ sẽ cảm thấy có mối liên hệ chặt chẽ hơn với bạn. Điều này cũng giúp bạn có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến lời họ nói và tập trung lắng nghe hiệu quả hơn.


Trở thành một người sếp biết quan tâm

2, Thực hành lắng nghe chủ động


Lắng nghe chủ động trong giao tiếp với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp thể hiện bạn quan tâm tới họ và sau mỗi cuộc trò chuyện, bạn lại thấu hiểu đối phương nhiều hơn. Trong quá trình giao tiếp, người lắng nghe chủ động có thể truyền đạt những tín hiệu như giao tiếp bằng mắt, đặt câu hỏi, gật đầu… để thể hiện họ quan tâm và đang theo sát cuộc đối thoại. Bằng cách chủ động lắng nghe, bạn có thể giải quyết xung đột, thể hiện sự tin tưởng lớn hơn và cải thiện sự hài lòng của nhân viên cũng như những người xung quanh mình.


Thực hành lắng nghe chủ động

3, Chú ý tới các tín hiệu phi ngôn ngữ


Giao tiếp là chìa khóa để hiểu nhau, nhưng phần lớn việc lắng nghe không chỉ là dùng tai lắng nghe mà còn cần dùng “mắt" quan sát để bắt được những phần ẩn ý trong cuộc trò chuyện. Họ có giao tiếp bằng mắt không? Họ đang làm gì với đôi tay của mình? Chỉ cần chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của một người có thể tiết lộ nhiều hơn về suy nghĩ và cảm xúc của họ. Vậy nên hãy bắt đầu chú ý đến tín hiệu phi ngôn ngữ của người khác trong các cuộc trò chuyện để hiểu được họ đang nghĩ gì. Đặc biệt, sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ một cách công khai còn cho thấy bạn đang lắng nghe tích cực và tập trung vào người đối diện.


Chú ý tới các tín hiệu phi ngôn ngữ

4, Không phán xét


Nhìn chung vẫn còn một bộ phận nhà lãnh đạo làm việc theo một khuôn khổ bó hẹp và truyền thống. Họ coi việc lắng nghe chỉ đơn giản là hiểu người khác đang nói gì. Đôi khi họ đưa ra những lời chỉ trích gay gắt và có thói quen phán xét. Chính điều này khiến cho người đối diện cảm thấy bị tổn thương và không sẵn sàng chia sẻ một cách cởi mở.


Không phán xét

Học cách lắng nghe không phán xét sẽ giúp người lãnh đạo thể hiện sự đồng cảm với nhân viên và khiến họ cảm thấy an toàn khi chia sẻ với bạn. Để loại bỏ thói quen phán xét và cải thiện giao tiếp, hãy cố gắng giữ một tâm hồn cởi mở và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn bên trong mình.


5, Không ngắt lời đối phương


Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bị ngắt ngang lời trong một bài phát biểu? Đó có phải là cảm giác khó chịu, mất kiểm soát và quên luôn mạch nói mà mình đã chuẩn bị. Cấp dưới hay đối tác của bạn cũng sẽ có cùng cảm giác đó khi bạn cố ngắt lời họ để đưa ra quan điểm của mình.


Không ngắt lời đối phương

Hãy kiên nhẫn đợi người kia nói hết suy nghĩ của họ trước khi đáp lời. Để đối phương trình bày trọn vẹn câu chuyện là bạn đang cho họ không gian sắp xếp suy nghĩ và thoải mái thể hiện bản thân. Điều này cũng giúp bạn theo sát được cuộc trò chuyện và không bị phân tâm bởi những suy nghĩ của chính mình trong khi giao tiếp với người khác.


6, Tóm tắt lại thông tin để làm rõ


Sau mỗi cuộc trò chuyện, nhắc lại một vài thông tin quan trọng cũng là cách thể hiện bạn đã tập trung lắng nghe. Hoặc đôi khi trong những khoảng nghỉ của cuộc trò chuyện, bạn có thể tóm tắt các ý chính mà người nói đang trình bày để xác nhận xem bạn đã hiểu đúng ý họ hay chưa và bạn có bỏ lỡ điều gì hay không.


Tóm tắt lại thông tin để làm rõ


Kết luận


Lãnh đạo giỏi cần phải biết lắng nghe, bởi điều này sẽ giúp chúng ta lưu giữ được nhiều thông tin hơn, xây dựng được nhiều mối quan hệ đáng tin cậy và nhận được sự tín nhiệm từ cấp dưới. Hãy luôn lắng nghe bằng toàn bộ tâm trí và cả trái tim để trở thành một nhà lãnh đạo thấu hiểu, thông suốt và hiệu quả.

22 views0 comments

Comments


bottom of page