Toán học thì có công thức để giải đề còn muốn trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc thì rất khó để tìm thấy công thức nhất định. Bởi vậy mà không ít nhà quản lý mới gặp khó khăn trên hành trình “đầu đời" vì không biết bắt đầu từ đâu, không có công thức để xây dựng lộ trình rõ ràng. Điều này dẫn đến việc khi đảm đương vai trò quản lý, chúng ta bắt đầu loay hoay với những thử thách mới và cảm thấy nghi ngờ khả năng của mình.
Tất cả những điều kể trên đều là vấn đề chung của các nhà quản lý mới bởi chính bản thân Minh Hồng và rất nhiều khách hàng của Minh Hồng cũng từng như vậy. Lúc mới bắt đầu đó, có rất nhiều thứ loay hoay khiến cho mình không đủ tỉnh táo để suy nghĩ "chiến lược" mình nên bắt đầu từ đâu. Tin vui là bạn sẽ không phải mong mỏi chờ đợi ai đó chia sẻ những điều này bởi trong bài viết hôm nay, Minh Hồng sẽ gửi đến bạn 8 lời khuyên - là những kinh nghiệm và góc nhìn quan trọng mà mình đúc rút từ chính hành trình của mình. Hy vọng rằng những chia sẻ dưới đây sẽ phần nào giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn và tiếp thêm động lực cho bạn vững tin vào hành trình mới (dành cho bạn tham khảo).
Học cách ủy quyền
Ở vai trò quản lý, bạn phải bỏ qua cái tôi và chấp nhận rằng không có nhà quản lý tuyệt vời nào có thể làm được tất cả mọi thứ. Bất kỳ người quản lý hoặc lãnh đạo giỏi nào cũng cần hiểu nhiệm vụ nào họ có thể đảm nhận và nhiệm vụ nào họ nên giao cho các thành viên trong nhóm. Điều này có nghĩa là bạn phải học cách giao việc và uỷ quyền cho cấp dưới để có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu hay dành thời gian cho những hạng mục quan trọng hơn. Để làm được điều này, bạn cần xem xét các kỹ năng của từng thành viên và những điểm mạnh nổi bật nhất để xác định nhân viên nào sẽ phù hợp nhất với các nhiệm vụ cần hoàn thành.
Thông thường một người quản lý mới "sợ giao việc" bởi vì thiếu kỹ năng giao việc. Đây là một kỹ năng quan trọng, bạn nên trang bị cho mình trước. Ngoài ra, họ cũng có nỗi sợ "nhân viên không làm được việc đó sẽ gây hỏng việc". Hãy lên kế hoạch để phát triển nhân viên, tuy nhiên đây là mục tiêu dài hạn và bạn sẽ cần cân nhắc về thời gian phù hợp.
Nói về chủ đề giao việc và uỷ quyền, Minh Hồng cũng đã có một bản tin chia sẻ chi tiết về phong cách và quy trình giao việc hiệu quả. Bạn có thể đọc thêm bản tin Transform the way you lead #05 để tìm hiểu thêm nhé.
Biết điều gì thúc đẩy mỗi cá nhân trong nhóm của bạn
Dành thời gian để xây dựng mối quan hệ công việc chất lượng với đội nhóm và hiểu điều gì thúc đẩy mỗi nhân viên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhân viên của bạn sẽ được giao những nhiệm vụ mà họ thực sự hứng thú, nhờ đó, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn và mang lại kết quả tối ưu hơn.
Mẹo cho bạn: Để có thể hiểu được từng thành viên, bạn nên sắp xếp các cuộc gặp 1:1 thường xuyên để tìm hiểu về họ, về những gì họ quan tâm và điều gì thúc đẩy họ. Bạn có thể tham khảo về phương pháp Check-in mà Minh Hồng đã chia sẻ tại đây. Đây là một công cụ quan trọng giúp người quản lý kết nối với các thành viên trong nhóm, sớm xác định các vấn đề tiềm ẩn và thích ứng với các thay đổi hoặc cập nhật tình hình liên tục. Việc áp dụng check-in vào quản trị sẽ giúp nhân viên làm việc tốt hơn, trở nên cam kết hơn và nhiều động lực hơn.
Rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực
Để trở thành một nhà quản lý giỏi, bạn cần phải có khả năng lắng nghe và thấu hiểu các thành viên trong nhóm của mình như hiểu được sở thích, ý tưởng, quan điểm, mối quan tâm và cả những thách thức mà mỗi người phải đối mặt trong công việc.
Một trong những cách giúp bạn có thể thu thập những thông tin này đó là hãy cho phép các thành viên được tự do phát biểu trong những cuộc họp hay buổi gặp mặt. Tại mỗi thời điểm đó, bạn sẽ cần phải thật sự tập trung và dành toàn bộ sự chú ý vào bất cứ điều gì họ đang thảo luận. Bạn sẽ không nghe điện thoại, không xem email, không sắp xếp bàn làm việc… mà chỉ lắng nghe và cho người đó thấy rằng bạn đang hiện diện trong cuộc trò chuyện này.
Lắng nghe cũng là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà mỗi nhà quản lý cần có. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về kỹ năng lắng nghe và cách để lắng nghe hiệu quả thì hãy đọc thêm bài viết Minh Hồng đã chia sẻ tại đây.
Thiết kế các hệ thống và quy trình để giúp nhóm hoàn thành công việc
Daniel Terhorst, chuyên gia về phương pháp tinh gọn từng chia sẻ rằng: “… khi bạn nói về quản lý, bạn đang quản lý môi trường, bạn đang quản lý bối cảnh và bạn đang tạo ra một môi trường trong đó mọi người có thể làm việc hiệu quả nhất. Bạn không thể bắt mọi người làm mọi việc nhưng bạn có thể tạo ra một môi trường mà nếu họ chọn tham gia thì họ có thể làm mọi việc.”
Lên cấp quản lý, bạn không chỉ đơn giản là quản lý con người mà còn cần quản lý môi trường nơi bạn làm việc. Thiết kế một môi trường làm việc tối ưu sẽ giúp bạn và nhóm của bạn luôn năng suất và làm việc hiệu quả.
Làm rõ về kỳ vọng
Hầu hết mọi người đều muốn hoàn thành công việc thật tốt để được công nhận và được cộng tác với những người mà họ tôn trọng. Vì vậy, nếu người quản lý làm rõ những kỳ vọng và thước đo để đạt được thành công ngay từ đầu thì nhân viên sẽ cảm thấy mình có động lực làm việc và phát triển hơn.
Để tránh mọi thứ cứ mơ hồ và không đi đúng hướng, ngay từ những ngày đầu quản lý, bạn cần chia sẻ rõ ràng với cấp dưới về những mục tiêu, dự định và kỳ vọng mà cả team cần đạt. Những con số và dự định cụ thể sẽ giúp nhóm của bạn đi đúng đường và kiểm soát được chất lượng.
Khi mới lên quản lý, bạn rất sẽ có nỗi e ngại khi đưa ra các yêu cầu cao của mình vì bản thân bạn cũng đang có nhiều rào cản. Tuy nhiên nói rõ điều mình muốn sẽ giúp nhân viên biết rõ điều họ phải đạt được, cũng là để nâng cao tính chịu trách nhiệm với những yêu cầu của chính bạn.
Tập trung vào kết quả, không phải đầu vào
Bất kỳ nhà quản lý giỏi nào cũng biết rằng kết quả quan trọng hơn nhiều so với cách tiếp cận nhiệm vụ. Vì lý do đó, hãy đảm bảo rằng bạn tập trung vào kết quả mà nhóm của bạn đang tạo ra trên chặng đường mà họ về đích.
Khi mới lên làm quản lý, bạn chắc chắn sẽ không muốn tỏ ra là một người sếp cứng nhắc và quá hà khắc về kết quả. Để tránh trở thành người sếp như vậy, bạn hãy quan sát phong cách làm việc của mỗi thành viên và giao nhiệm vụ phù hợp, hiệu quả hơn với họ. Một điều quan trọng không kém đó là hãy tôn trọng và dành lời khen cho những cách làm việc sáng tạo, đột phá của mỗi thành viên thay vì ép họ phải làm việc theo khuôn khổ nào đó.
Xây dựng văn hoá phản hồi
Một trong những quyền hạn quan trọng nhất của người quản lý đó là đưa ra phản hồi rõ ràng, thường xuyên để nhân viên biết những gì họ đang làm tốt và những gì họ cần cải thiện để có thể làm tốt hơn. Xây dựng văn hoá phản hồi cũng đồng thời xây dựng sự giao tiếp mạnh mẽ và đảm bảo sự liên kết trong đội nhóm.
Phản hồi là một trong những kỹ năng cần có và cũng là công cụ hiệu quả để quản lý lãnh đạo nâng tầm ảnh hưởng. Thế nhưng, rất nhiều quản lý lãnh đạo không cảm thấy thoải mái và né tránh chuyện đưa phản hồi. Họ nghĩ rằng phản hồi có nghĩa là tiêu cực, là phán xét, và sẽ khiến người đối diện cảm thấy khó chịu. Để giúp quản lý lãnh đạo nâng cao tầm ảnh hưởng và xây dựng kỹ năng phản hồi hiệu quả, Mình Hồng đã mang đến chủ đề này trong chương trình đào tạo "Learning and leading as a new manager". Mời bạn tham khảo tại link để tìm hiểu thêm về chương trình.
Tạo tâm lý an toàn cho nhân viên
Đây có lẽ là điều không quá được chú trọng và phổ biến trong các doanh nghiệp hiện tại. Chúng ta làm quản lý, chúng ta cần quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, chúng ta cần thúc đẩy hiệu suất của nhân viên, còn việc tạo tâm lý an toàn cho nhân viên có ý nghĩa gì?
Thực tế, điều này xuất phát từ mong muốn gắn kết của nhân viên. Khi nhân viên cảm thấy an toàn, họ sẽ dám nói lên nhu cầu, chia sẻ suy nghĩ của bản thân, đóng góp những ý tưởng mới cho công việc. Ngay cả khi có ai khác phản đối nhưng họ biết ý kiến của mình được lắng nghe, được tôn trọng thì bản thân họ sẽ cảm thấy muốn tiếp tục chia sẻ. Nếu bạn xây dựng được một môi trường công bằng và tạo tâm lý an toàn cho nhân viên thì đây thực sự là môi trường làm việc lý tưởng mà bất cứ nhân viên nào cũng muốn tiếp tục ở lại cống hiến.
Kết luận
Trở thành quản lý là một trong những quá trình chuyển đổi lớn nhất và căng thẳng nhất mà bạn sẽ trải qua trên con đường sự nghiệp của mình. Bạn sẽ có cảm giác như có hàng triệu thứ cần xem xét, hàng triệu việc cần hoàn thành và hàng triệu cách quản lý con người! Hãy dành thời gian để thử nghiệm và sai sót, hãy tự tin biết rằng bạn sẽ đến được nơi bạn cần đến. Ưu tiên học hỏi và trao dồi kỹ năng mới bởi kiến thức sẽ biến thành sức mạnh giúp bạn bước đi đúng hướng hơn. Bên cạnh đó, đừng ngại tìm đến sự giúp đỡ từ những nguồn lực xung quanh hoặc có cho mình một người bạn đồng hành để đi nhanh hơn và bớt cực hơn. Minh Hồng vẫn luôn ở đây và sẵn sàng lên thuyền cùng bạn, vậy nên đừng ngại liên hệ với Minh Hồng để được trợ giúp nhé.
تعليقات