top of page
Writer's picturetrolyminhhong

Lãnh đạo kiên tâm: Chìa khoá giúp vượt qua áp lực và khủng hoảng

Updated: May 5, 2023

Thế giới chúng ta sống đang trải qua những biến đổi với tốc độ cực nhanh. Đại dịch Covid-19 chính là lời nhắc nhở sống động về tình trạng biến đổi ấy. Thậm chí hiện nay, hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều đang phải đối mặt với những tác động rất lớn từ kinh tế thị trường, chính trị – xã hội. Trong những thời điểm khó khăn và thử thách như thế này, SỰ KIÊN TÂM (resilient) chính là chìa khóa giúp các nhà lãnh đạo duy trì sức mạnh tinh thần và gắn kết nhân viên để duy trì hoạt động, phát triển sau khủng hoảng.

Lãnh đạo kiên tâm là gì

Lãnh đạo kiên tâm là gì?


Lãnh đạo kiên tâm (resilient leadership) là một đặc điểm quan trọng của lãnh đạo hiệu suất cao. Hồng vẫn luôn dịch Resilient Leadership là lãnh đạo kiên tâm hơn là lãnh đạo kiên cường, bởi vì một người lãnh đạo chỉ kiên cường thôi chưa đủ. Ý chí có thể kiên cường, ngoài ra tâm của họ còn phải luôn vững vàng và kiên định. Một nhà lãnh đạo kiên tâm xem thất bại chỉ là bước lùi nhỏ - họ kiên trì trong hành động và tư tưởng nhằm đạt được mục đích phục hồi nhanh chóng. Đây cũng được đánh giá là một trong những phẩm chất lãnh đạo quan trọng nhất của mọi thời đại.


Vì sao tư duy kiên tâm lại cần thiết với mỗi nhà lãnh đạo?


Ở trong bất kỳ môi trường làm việc nào, thất bại, sai lầm và thách thức luôn xảy ra. Áp lực cũng là điều không thể tránh khỏi. Bạn sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc tiêu cực khiến cho sự tự tin của mình bị lung lay, dẫn đến khả năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề cũng ảnh hưởng ít nhiều. Đây chính là một báo động đỏ với các nhà lãnh đạo.


Tuy nhiên, nếu hình thành tư duy kiên tâm, bạn sẽ:

- Xây dựng được nội lực vững chắc, luôn duy trì thái độ tích cực, biết đâu là điểm căng thẳng và tự mình cân bằng lại.

- Bản thân bạn cũng sẽ luôn có niềm tin vào chính mình và những điều mình làm, giữ bình tĩnh trước áp lực và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.

- Bạn biết cách nắm bắt cơ hội và có những phương án dự phòng cho những khủng hoảng có thể xảy ra.

- Thậm chí, lãnh đạo kiên tâm còn có khả năng xây dựng niềm tin mạnh mẽ với đội nhóm của mình bởi trong mắt người khác họ là một người rất đáng tin cậy.

Cần làm gì để nâng cao năng lực lãnh đạo kiên tâm?


1. Thích ứng với thực tế


Thích ứng với thực tế ở đây có thể nằm ở khía cạnh niềm tin, tư duy sẵn sàng đối mặt với mọi thay đổi có thể xảy ra. Khi mọi việc thay đổi dẫn đến những tác động tiêu cực lên doanh nghiệp của bạn thì những cơ hội cũng có thể đang mở ra. Người lãnh đạo có khả năng quản lý bản thân, thích ứng với thực tế sẽ cùng team tìm ra cơ hội đó nằm ở đâu.


Lãnh đạo kiên tâm thích ứng với thực tế

2. Quản lý cảm xúc


Những biến động, rủi ro với tổ chức có thể khiến bạn tức giận, lo lắng hoặc thậm chí là sợ hãi. Khi bạn hiểu, quản lý được cảm xúc của mình thì bạn sẽ bình tĩnh để ứng phó hợp lý với tình huống hơn. Mặt khác, khi bạn giữ được sự bình tĩnh, bạn cũng sẽ truyền đi cảm xúc tích cực, sự tin tưởng cho đội ngũ của mình.


Lãnh đạo kiên tâm quản lý cảm xúc cá nhân

3. Đặt ra mục tiêu của riêng mình


Ý thức rõ ràng về lý tưởng sống và đặt ra mục tiêu sẽ là kim chỉ năm giúp cho cuộc sống của bạn thăng hoa và công việc đi đúng hướng. Bạn kỳ vọng trong 5 năm, 10 năm tới bạn sẽ đạt được mục tiêu gì? Thông qua việc xác định mục tiêu riêng của mình, bạn sẽ biết được cách nên quản lý bản thân, hành động như thế nào.


Lãnh đạo kiên tâm đặt mục tiêu

Ngay cả trong tình huống phải đối diện với những áp lực bủa vây, bạn cũng cần đặt ra mục tiêu trong ngắn, trung, dài hạn của bản thân và doanh nghiệp là gì. Vì nếu không có mục tiêu, bạn và team sẽ rất dễ rơi vào trạng thái chỉ ứng phó với tình huống hiện tại mà không có một lộ trình phát triển cụ thể.


4. Tự chịu trách nhiệm


Người lãnh đạo giống như “đầu tàu” dẫn dắt tổ chức vượt qua sóng gió. Điều đó có nghĩa rằng bạn luôn đóng vai trò chính trong mọi quyết định và là người tự chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình. Tự chịu trách nhiệm ở lãnh đạo thể hiện khả năng kỷ luật, kỹ năng quản lý bản thân, tự nhận thức ở mức cao. Một lãnh đạo có khả năng tự chịu trách nhiệm sẽ tạo được niềm tin, sự đồng lòng với đội ngũ.


Lãnh đạo kiên tâm tự chịu trách nhiệm

5. Thực hành chăm sóc bản thân


Khi máy bay hạ cánh khẩn cấp, hành khách được hướng dẫn tự đeo mặt nạ dưỡng khí trước khi giúp đỡ bất kỳ ai khác. Không ai có thể giúp đỡ người khác nếu họ mất khả năng hoặc bị tổn thương. Lãnh đạo cũng giống như vậy. Biết giới hạn của mình và chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn không đưa ra những quyết định vội vã.


Lãnh đạo kiên tâm chăm sóc bản thân

Có nhiều hình thức để bạn có thể chăm sóc bản thân. Chẳng hạn như thiết lập ranh giới công việc - cuộc sống, phân bổ công việc phù hợp cho cấp dưới để giảm thiểu gánh nặng, tham gia các phiên khai vấn, tập luyện thể dục thể thao, đảm bảo chất lượng giấc ngủ… Hãy làm những điều cần thiết giúp bạn nạp năng lượng và sẵn sàng cho cuộc đua trở thành lãnh đạo xuất sắc.


6. Đánh giá và lập kế hoạch


Với những bất ổn, thay đổi bạn thường xuyên phải đối mặt thì việc lập kế hoạch sẽ có giá trị giúp bạn và team dự phòng trước được các tình huống bất lợi, tiêu cực. Khi bạn đánh giá được tình hình và lập được bản kế hoạch hành động của bản thân và team thì bạn sẽ giữ được sự chủ động trong công việc. Bạn có thể thuận lợi, nhanh chóng hơn trong việc đưa ra quyết định hành giúp giúp team tiến về phía trước.

Luôn đánh giá và lập kế hoạch

Một nhà lãnh đạo kiên tâm là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua áp lực, duy trì hoạt động và phát triển. Hành trình lãnh đạo ấy sẽ luôn đầy những khó khăn và thử thách nhưng đừng để đó là một gánh nặng. Thay vào đó, hãy để bản thân luôn giữ được trạng thái tốt nhất. Chỉ cần bạn can đảm và tập trung vào việc phát triển khả năng lãnh đạo, bạn sẽ xây dựng được nội lực để vượt qua mọi sóng gió.

27 views0 comments

コメント


bottom of page