
Coaching (Khai vấn) là gì?
Trong bài viết trước, Minh Hồng đã giải thích khá chi tiết về khái niệm này. Theo liên đoàn khai vấn quốc tế International Coaching Federation (ICF): “Coaching (Khai vấn) là quá trình đồng hành cùng khách hàng đi qua một quá trình kích thích tư duy, sáng tạo, tạo cảm hứng để từ đó tối ưu hóa tiềm năng trong công việc và trong cuộc sống.”

Coaching là quá trình tương tác hai chiều giữa Coach và Coachee (Khách hàng). Người Coach sẽ hỗ trợ khách hàng (Coachee) nâng cao năng lực, nhận thức, sự cam kết và sự tự tin để phát huy tiềm năng của mình. Mục đích lâu dài của Coaching là xây dựng lòng tin cho Coachee về bản thân và những gì họ làm để từ đó phát huy được hết tiềm năng của Coachee.
Training (Đào tạo) là gì?
Training (Đào tạo) là quá trình có tổ chức gồm các hoạt động dạy và học được thực hiện với mục đích giúp mọi người nắm bắt cách thực hiện một nhiệm vụ mới mà họ chưa có kinh nghiệm hoặc giới thiệu, mở rộng những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc.

Đào tạo là một hoạt động quan trọng giúp nâng cao năng lực, cải thiện hiệu suất và hiệu quả làm việc cho mỗi người. Chương trình đào tạo sẽ do giảng viên quyết định và họ là người đóng vai trò chính trong quá trình này.
Consulting (Tư vấn) là gì?
Tư vấn là quá trình một người cung cấp kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên và giải pháp giúp khách hàng đạt được mục tiêu cụ thể. Không giống như các huấn luyện viên (coach), nhà tư vấn sẽ là chuyên gia về một lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Tuy nhiên nhiều thập kỷ qua, thuật ngữ này được dùng phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh. Họ giúp khách hàng xác định và đánh giá các vấn đề, sau đó cung cấp giải pháp cho các vấn đề đó. Một nhà tư vấn có thể đứng ở vai trò là người đưa ra lời khuyên, họ cũng có thể đào tạo hoặc đóng vai trò hỗ trợ trong cả dự án ngắn hạn và dài hạn.

Ai cũng có thể là chuyên gia tư vấn nếu họ có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong một lĩnh vực cụ thể sau nhiều năm học tập, đào tạo và tích lũy kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả của giải pháp sẽ phụ thuộc nhiều vào kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của nhà tư vấn.
Mentoring (Kèm cặp) là gì?
Kèm cặp (Mentoring) là mối quan hệ học hỏi trong cùng một lĩnh vực. Trong đó, một người đi trước, có kiến thức, kinh nghiệm (mentor) sẽ đưa ra các hướng dẫn, giải pháp, phương hướng giúp người được kèm cặp (Mentee) có sự tiến bộ.

Một người mentor có thể giúp mentee thăng tiến trong lĩnh vực của mình và kết nối với những cơ hội mới. Mentoring sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian nhờ học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước.
Therapy (Trị liệu tâm lý) là gì?
Nếu một người đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến chấn thương, trầm cảm, lo lắng mãn tính, hoặc sức khỏe tâm thần… thì trị liệu tâm lý (therapy) là liệu pháp dành cho họ. Trị liệu tâm lý đòi hỏi các nhà trị liệu phải được cấp phép và cung cấp dịch vụ điều trị sức khoẻ tâm thần cho những người được chẩn đoán mắc bệnh. Đây là một hành trình đi vào nội tâm, thường có xu hướng tập trung vào quá khứ để tìm ra những tổn thương, nỗi đau và có giải pháp chữa lành giúp thân chủ hướng tới một tương lai tích cực hơn.

Sự tin tưởng và tín nhiệm là một trong những điều quan trọng để tạo dựng mối quan hệ trị liệu. Thường sẽ mất rất nhiều thời gian để bệnh nhân có thể xây dựng lòng tin và tìm thấy cảm giác an toàn với nhà trị liệu. Tuy nhiên một khi tìm thấy sự kết nối, mối quan hệ này sẽ gắn kết trong thời gian dài.
Phân biệt Coaching và training, consulting, mentoring, therapy
Trong thực tế, Coaching và đào tạo, tư vấn, kèm cặp, trị liệu tâm lý vẫn hướng đến mục tiêu chung và giúp cải thiện hiệu suất nhưng sẽ có những điểm khác biệt giữa chúng. Không thể khẳng định hình thức nào tốt nhất mà nó sẽ dựa vào mức độ phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của tình huống bạn đang gặp phải. Bảng dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt rõ hơn về các khái niệm này.

Khi nào cần đến Coaching?
Bạn muốn rõ ràng về những điều bạn thực sự muốn có trong cuộc sống và những điều đang cản trở bạn.
Bạn muốn phát triển sự chấp nhận và tự tin vào bản thân, từ đó vượt ra khỏi vùng an toàn cá nhân.
Bạn đang tìm kiếm ai đó giúp bạn có trách nhiệm với mục tiêu của mình.
Bạn cần đạt được những bứt phá mới trong công việc
Bạn mong muốn có một cuộc sống trọn vẹn hơn, có mục đích hơn.
Tham khảo thêm về dịch vụ Khai vấn cá nhân cùng Coach Minh Hồng tại đây
Khi nào cần đến nhà đào tạo?
Kiến thức bị hạn chế trong một tập thể.
Có nhu cầu học hoặc thực hành kỹ năng mới.
Làm mới các kỹ năng đã cũ.
Khi nào cần đến nhà tư vấn?
Giải quyết vấn đề của tổ chức, xây dựng chiến lược hoặc cần lời khuyên để thúc đẩy sự phát triển của tổ chức.
Phân tích dữ liệu để lấy được câu trả lời.
Tham gia vào một dự án cụ thể
Đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp
Khi nào cần đến người kèm cặp?
Bạn muốn học hỏi từ một người giàu kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực của bạn.
Bạn muốn được tư vấn và hướng dẫn về cách phát triển sự nghiệp trong tổ chức hoặc ngành của mình.
Bạn muốn mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia mà bạn có thể học hỏi.
Mục tiêu của bạn không bị giới hạn bởi thời gian và bạn có thể linh hoạt để vun đắp mối quan hệ cởi mở, win-win với người cố vấn của mình.
Khi nào cần đến nhà trị liệu tâm lý?
Bạn ám ảnh bởi một sự việc nào đã xảy ra trong một thời gian dài.
Hoạt động hằng ngày của bạn bị gián đoạn (mất ăn, mất ngủ, làm việc thiếu hiệu quả,...) bởi những cảm xúc, suy nghĩ thiếu ổn định.
Các rối loạn tâm lý của bạn vẫn tiếp diễn trong trong thời gian dài sau khi bạn được giúp đỡ bởi Tham vấn viên.
Trong nhiều trường hợp, một người có thể quyết định kết hợp nhiều dịch vụ cùng một lúc để đạt được kết quả tối ưu nhất.
Cảm ơn bạn đã đọc đến cuối dòng này. Hy vọng những chia sẻ trên đã phần nào giúp các bạn hiểu hơn về sự khác biệt giữa Đào tạo, Tư vấn, Kèm cặp, Trị liệu tâm lý và Khai vấn cũng như hỗ trợ các bạn đưa ra các quyết định phù hợp với nhu cầu và năng lực cá nhân.
Comments